Chia Sẻ Kinh Nghiệm Lãnh Đạo

CHIA SẺ KINH NGHIỆM LÃNH ĐẠO

“Người Chèo Thuyền Giỏi Không Đến Từ Vùng Biển Lặng Sóng”


I. Lãnh đạo là gì?

- Kỹ năng lãnh đạo là việc dùng kinh nghiệm, kiến thức và năng lực của bản thân để định hướng, tạo sự ảnh hưởng, thúc đẩy được mọi người hành động nhằm đạt được mục tiêu công việc chung. Người có kỹ năng lãnh đạo luôn có tầm nhìn xa, khả năng tư duy chiến lược, có đủ các kỹ năng mềm, lòng nhiệt thành quảng đại và đạo đức, biết quản lý thành viên trong CĐ – BN cách hiệu quả nhất.


II. Các kỹ năng người lãnh đạo cần có.

1. Kỹ năng tư duy chiến lược

Tư duy chiến lược chìa khóa vàng tạo nên một nhà lãnh đạo thành công vì nó thể hiện được tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo và của cả CĐ - BN. Việc phát triển kỹ năng lãnh đạo này của người lãnh đạo có thể giúp cho CĐ - BN phát triển bền vững. Nếu không có tư duy chiến lược thì người lãnh đạo sẽ rất khó đưa CĐ - BN phát triển bền vững lâu dài. 

2. Kỹ năng lập kế hoạch

Một bản kế hoạch chi tiết sẽ đưa ra những định hướng cho các thành viên và xác định biện pháp tốt nhất để hoàn thành các mục tiêu đó. Người lãnh đạo giỏi là người biết lập ra kế hoạch hợp lý, có kỹ năng quản lý giám sát tốt và biết phân công nhiệm vụ cho từng thành viên theo đúng năng lực. Kỹ năng lập kế hoạch của người lãnh đạo mang tính quyết định hàng đầu đối với sự thành công trong mọi công việc của một thành viên hay một CĐ - BN. Chính vì vậy cần phải phát triển kỹ năng lãnh đạo này.

3. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Đây là kỹ năng của người lãnh đạo giỏi không thể thiếu. Lãnh đạo cần phải giải quyết vấn đề một cách khéo léo và mang lại hiệu quả cao bằng việc tìm kiếm và đưa ra các giải pháp khác nhau, từ đó lựa chọn giải quyết tối ưu nhất. Đặc biệt, họ không được đùn đẩy trách nhiệm và luôn phải đủ bản lĩnh vượt qua những vấn đề khó khăn thử thách hay những vấn đề phát sinh trong tập thể. Để làm được điều này, người lãnh đạo phải phải biết nắm bắt cơ hội để xử lý vấn đề tốt nhất và có tinh thần chính trực, hành động vì lợi ích chung của CĐ - BN. Ngoài ra việc tham gia các khóa học kỹ năng quản lý và lãnh đạo cũng sẽ giúp cho người lãnh đạo tích lũy thêm được nhiều kỹ năng lãnh đạo quản lý giải quyết vấn đề trong công việc thực tế

4. Kỹ năng truyền thông và giao tiếp

Trong các kỹ năng lãnh đạo quan trọng, kỹ năng giao tiếp tốt là chính yếu tố quyết định làm nên một người lãnh đạo thành công. Nếu quý vị có ý tưởng mà không thể truyền đạt cũng như thuyết phục những gì quý vị muốn tới thành viên của mình thì đó là điều thất bại. Người lãnh đạo cần có khả năng trình bày và truyền đạt thông tin tới CĐ – BN một cách cụ thể, đồng thời cũng phải biết lắng nghe, tạo nên tương tác đến từ hai phía. Người lãnh đạo làm được điều này sẽ dễ dàng thuyết phục được người khác và mang lại sự tin tưởng.

5. Kỹ năng truyền cảm hứng, tạo động lực 

Một người lãnh đạo giỏi cần phải biết lan toả cảm hứng đến những người xung quanh. Ngoài việc liên tục phát triển kỹ năng người lãnh đạo để các thành viên noi theo thì người lãnh đạo phải tích cực trao đổi nhiều hơn với thành viên, động viên thành viên của mình để thành viên có nhiều động lực tham gia. 

6. Kỹ năng ra quyết định

Sự thành bại của CĐ - BN phụ thuộc vào kỹ năng lãnh đạo quản lý của người đứng đầu. Cho nên việc đưa ra quyết định đường hướng hoạt động có ảnh hưởng rất lớn đến CĐ - BN. Vì sự thay đổi và đòi hỏi cấp bách của xã hội và giáo hội người lãnh đạo phải đưa ra giải pháp hợp lý nhất để giải quyết vấn đề hoặc quyết định một kế hoạch gì đó. Những quyết định kịp thời và sáng suốt sẽ tạo nên một kết quả tốt cho kế hoạch đó, còn nếu không thì sẽ đưa CĐ - BN vào tình huống khó khăn.

Vì vậy, khi đưa ra quyết định người lãnh đạo luôn phải nhìn nhận và phán đoán về công việc một cách chính xác, xem xét cả những điều tích cực và tiêu cực từ đó phân chia công việc hiệu quả. Để có được kỹ năng lãnh đạo này, người lãnh đạo phải có kiến thức sâu rộng. Có thể tích lũy kiến thức thông qua các buổi chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo hay đơn giản hơn là dựa trên những kinh nghiệm thực tế.

7. Kỹ năng quản lý con người

Một CĐ – BN cùng sinh hoạt với nhau. Mỗi người một tính cách, một quan điểm và điểm mạnh riêng. Do đó, người lãnh đạo cần phải nắm bắt được những yếu tố đặc biệt của từng người để biết cách phân công phân nhiệm, khuyến khích các thành viên phát huy hết khả năng trong các sinh hoạt. Đồng thời thông qua đó, người lãnh đạo còn có thể giải quyết những bất đồng quan điểm xảy ra giữa các thành viên một cách hợp lý và nhanh nhất.

8. Khả năng xây dựng sự tin cậy

Quý vị không thể nào trở thành một người lãnh đạo thành công nếu chỉ có một mình. Mà quý vị cần có sự ủng hộ, tin cậy từ tất cả mọi thành viên trong CĐ - BN. Để tạo được sự tin tưởng đó, người lãnh đạo phải luôn luôn thể hiện sự uy tín, tư cách đạo đức, lòng nhiệt thành, năng lực của bản thân và đi đầu trong mọi nhiệm vụ.

9. Kỹ năng giao quyền hiệu quả

Người lãnh đạo tốt sẽ không chỉ giao việc từ trên xuống và theo dõi sát xao thành viên của mình. Mà còn phải tìm đúng người, giao đúng việc, trao sự tin tưởng cho thành viên và sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Điều đó sẽ khiến cho các thành viên tham gia với tinh thần phấn khởi,  hiệu quả hơn rất nhiều.

10. Khả năng sư phạm và cố vấn

Người lãnh đạo không chỉ là người đứng đầu mà còn là một người thầy, người tiền bối trong lĩnh vực. Do đó, nếu muốn trở thành người lãnh đạo tốt, được mọi người kính trọng thì quý vị cần có khả năng cố vấn, hướng dẫn cho các thành viên trong CĐ - BN của mình, giúp họ vượt qua những khó khăn tạm thời.


III. Phẩm chất cần có của người lãnh đạo

1. Kiến thức chuyên môn chắc chắn

Tất nhiên quý vị  sẽ không thể chỉ có kỹ năng, kinh nghiệm để trở thành một người lãnh đạo giỏi. Mà để đứng vững ở vị trí này, kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực là điều quan trọng mà người lãnh đạo nào cũng cần phải có. Bên cạnh đó, quý vị cũng cần phải có sự hiểu biết sâu rộng về CĐ - BN, về tình hình chung của xã hội. Những kiến thức này sẽ giúp người lãnh đạo đưa ra các định hướng và mục tiêu sáng suốt cho CĐ - BN của mình.

2. Có niềm say mê, ham học hỏi

Nếu một người lãnh đạo thỏa mãn với những gì mình hiện tại có mà không tiếp tục trau dồi những điều mới mẻ thì rất có thể quý vị sẽ bị thay thế trong tương lai gần. Bởi vì thế giới luôn biến động, công nghệ phát triển không ngừng. Nếu muốn đứng vững ở bất kỳ lãnh vực  nào thì người lãnh đạo cũng đều phải luôn say mê học hỏi, cập nhật thêm những kiến thức, kỹ năng mới nhất.

3. Sự tự tin là tố chất bắt buộc

Sự tự tin của một nhà lãnh đạo có thể đem đến cho người khác, cụ thể là cấp dưới một sự an tâm, tin tưởng vào khả năng của cấp trên. Không những vậy, nó còn giúp cho người lãnh đạo được tôn trọng, tín nhiệm và trọng dụng trong mắt cả cấp dưới lẫn ban quản lý cấp cao.

4. Kiên định trong mọi quyết định

Người đứng đầu cần phải có sự kiên định khi đưa ra một quyết định nào đó và phải tin vào chính bản thân của mình. Đôi khi sẽ gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng nếu quý vị tin chắc rằng đó là quyết định đúng đắn thì hãy vững vàng, bảo vệ quyết định ấy đến cùng.

5. Biết chấp nhận mạo hiểm và khó khăn thử thách

Tuy quý vị giỏi, tài năng đến đâu thì cũng không thể biết được chuyện gì có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên là một người lãnh đạo thì phải biết chấp nhận những khó khăn thử thách đó và đặc biệt là biết cách ứng biến, đưa ra biện pháp khắc phục tốt nhất tại thời điểm đó.

6. Tạo môi trường sinh hoạt tích cực

Bên cạnh sự nghiêm túc, tự tin thì một người lãnh đạo đôi khi phải biết cách làm cho không khí sinh hoạt trở nên vui vẻ, thoải mái, tạo tinh thần  tích cực cho mọi người. Điều này sẽ giúp tinh thần của cả CĐ – BN được nâng cao dẫn đến cải thiện hiệu quả và chất lượng trong mọi hoạt động.

7. Biết cách sinh hoạt nhóm hiệu quả

Người lãnh đạo không phải chỉ biết giao nhiệm vụ cho cấp dưới mà còn phải tham gia làm việc cùng với mọi người. Biết cách phân công, hợp tác với các thành viên để thực hiện các nhiệm vụ chung của CĐ – BN.

8. Có sự kiên trì, bền bỉ

Để theo đuổi một mục tiêu lớn của CĐ – BN  thì phải trải qua thời gian dài và gặp nhiều sự thử thách, khó khăn. Là một người lãnh đạo giỏi thì quý vị cần phải kiên trì, mạnh mẽ, bền bỉ và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Do đó quý vị phải rèn luyện sức chịu đựng, sự kiên trì trong mọi công việc ngay từ bây giờ.

9. Tuân thủ theo đường hướng kế hoạch đã đề ra

Nếu người lãnh đạo muốn các thành viên cấp dưới của mình thực hiện đúng nhiệm vụ, đúng nội quy thì chính bản thân quý vị phải làm được điều đó trước. Chỉ khi tuân thủ mọi cam kết, thì các thành viên cấp dưới mới dành cho quý vị sự tin tưởng, tôn trọng.

10. Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân

Nhìn bên ngoài, người lãnh đạo có thể là một người đứng đầu, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo. Song thật ra, họ phải hy sinh rất nhiều và luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Bởi vì trọng trách càng cao thì trách nhiệm càng lớn nên người lãnh đạo đôi khi sẽ phải hy sinh lợi ích của mình để đảm bảo đạt mục tiêu của CĐ - BN.

11. Sẵn sàng nhận lỗi và chịu trách nhiệm

Ai cũng có thể mắc phải sai lầm, không ít thì nhiều, kể cả một người lãnh đạo. Và người lãnh đạo giỏi sẽ không đổ trách nhiệm hoặc tránh né lỗi sai của bản thân. Mà phải dũng cảm nhận lỗi của mình để làm gương cho những thành viên khác.

12. Khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh

Người lãnh đạo giỏi là người có thể ứng biến, thay đổi nhanh kế hoạch cho phù hợp với mọi hoàn cảnh khác nhau. Họ cần có sự linh hoạt, thông minh để tiến hành các phương án dự phòng nhằm cải thiện tình hình trong những trường hợp cần sự thích ứng nhanh.


IV. Cách rèn luyện và nâng cao kỹ năng lãnh đạo

1. Nghiên cứu phong cách lãnh đạo yêu thích

Mỗi nhà lãnh đạo thường sẽ có phong cách lãnh đạo riêng, đôi khi họ sẽ thay đổi, điều chỉnh sao cho phù hợp với tính chất của sự kiện. 

2. Trở thành người lãnh đạo tập sự từ bây giờ

Quý vị hãy tận dụng mọi cơ hội nhỏ nhất ngay từ việc phụ trách một ban ngành nào đó trong CĐ - BN để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. Đó là cách tốt nhất để quý vị có thể nắm được cách thức và tâm lý của một người lãnh đạo dù ở một vị trí không quá quan trọng.

3. Xây dựng tư duy phản biện

Quý vị có thể luyện tập tư duy phản biện trong đời sống cũng như trong khi học tập, làm việc nhóm. Hãy tập suy luận, dám bảo vệ ý kiến của bản thân cũng như góp ý cho người khác nếu cảm thấy có vấn đề nào đó cần sửa đổi.

4. Luôn đưa ra các sáng kiến 

Hãy năng nổ và cố gắng đưa ra nhiều sáng kiến sáng tạo, độc đáo trong quá trình sinh hoạt nhóm, họp tìm ý tưởng. Thông qua đó kích thích não bộ phát triển và quen với những lối suy nghĩ mới lạ. Chắc chắn điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho quý vị trên con đường trở thành một người đi đầu, một nhà lãnh đạo tài năng.

5. Nâng cao kỹ năng lắng nghe

Hãy tập hạ mình xuống và lắng nghe người khác. Không chỉ lắng nghe những góp ý từ người khác để sửa đổi bản thân, cải thiện công việc. Mà còn lắng nghe để hiểu những người cùng đồng công với mình trong mọi hoạt động. Nó sẽ khiến quý vị trở thành một người được yêu mến, tin tưởng.

6. Rèn luyện tính kỷ luật

Trên con đường thành công thì không có dấu chân của người lười biếng. Đó là câu nói hoàn toàn đúng với tất cả những người lãnh đạo. Quý vị phải rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân, phải có nếp sống khác với người bình thường thì mới có thể trở thành một người “khác thường”.

7. Tạo động lực cho người khác

Hiện tại nếu quý vị chỉ đang là một thành viên bình thường thì cũng hãy luôn tạo ra nguồn năng lượng tích cực, nghiêm túc và cố gắng nhất có thể trong mọi công việc. Điều này cũng có thể giúp tạo động lực cho người khác tiếp tục công việc và xây dựng bầu không khí sinh hoạt vui vẻ, lành mạnh.

8. Xây dựng tầm ảnh hưởng

Trước hết quý vị hãy tạo dựng nhiều mối quan hệ với bạn học, đồng nghiệp, tiền bối hay hậu bối trong CĐ - BN. Bên cạnh đó, hãy luôn cố gắng làm tốt nhất có thể mọi công việc để tạo được danh tiếng tốt, sức ảnh hưởng với mọi người. Điều này sẽ giúp quý vị rất nhiều trên con đường trở thành người lãnh đạo trong tương lai.

9. Chịu trách nhiệm xử lý xung đột

Nhiều người thường sẽ chọn việc né tránh xung đột để tìm sự bình yên cho bản thân. Tuy nhiên nếu quý vị đang mong muốn trở thành một người lãnh đạo thì hãy làm điều ngược lại. Tức là tìm cơ hội để tập đứng ra giải quyết các vấn đề từ nhỏ nhất như các mối quan hệ trong CĐ - BN. Điều này sẽ giúp quý vị có kinh nghiệm hơn khi giải quyết các vấn đề với vai trò là người lãnh đạo.


tháng 2 23, 2023 (Share)

Bài viết liên quan